CHÍNH SÁCH AN TOÀN LAO ĐỘNG
CÔNG TY CỔ PHẦN CẢNG QUỐC TẾ LONG SƠN
Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Long Sơn (Sau đây gọi là LSIP hoặc Cảng) là Công ty Cảng có dịch vụ chuyên tuyến vận tải biển container nội địa đầu tiên kết nối và thúc đẩy dịch vụ logistic cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các tỉnh Đông Nam Bộ với các khu Cảng chính trong cả nước. Các lĩnh vực dịch vụ khai thác chính của LSIP bao gồm:
- Dịch vụ Cảng biển tổng hợp.
- Dịch vụ vận tải, trung chuyển container, hàng hóa.
- Dịch vụ depot, ICD trung chuyển.
- Dịch vụ xếp dỡ hàng hóa và container.
- Dịch vụ cho thuê kho bãi.
- Dịch vụ kinh doanh, khai thác và quản lý kho.
- Hợp tác kinh doanh khai thác kho.
- Dịch vụ đóng gói, chằng buộc, kiểm đếm, cân hàng và các dịch vụ hậu cần khác.
- Dịch vụ vệ sinh, sửa chữa container.
Công ty soạn thảo Chính sách này nhằm mục đích tổ chức nhân sự, tổ chức đào tạo; thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật và đảm bảo hoạt động khai thác, vận hành an toàn. Chính sách an toàn lao động của công ty bao gồm các nội dung chính sau:
- Tổ chức bộ máy an toàn lao động
- Xây dựng các quy trình, quy định rõ ràng
- Đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động
- Kế hoạch ứng phó với tai nạn, sự cố
- Điều tra tai nạn, sự cố và kỷ luật
- Phương tiện bảo vệ cá nhân
- Ngân sách
- TỔ CHỨC:
Cơ cấu tổ chức bộ máy an toàn lao động của Công ty được cơ cấu như sau:
1.1 Hội đồng an toàn lao động:
Thành lập Hội Đồng Bảo Hộ Lao Động (HĐBHLĐ) của Công ty và bổ nhiệm các cá nhân sau vào các vị trí của hội đồng:
- Ông Nguyễn Văn Long, Phó Tổng giám đốc – Chủ tịch Hội Đồng;
- Ông Trần Duy Cường, Phó Giám đốc khai thác – Phó chủ tịch Hội Đồng;
- Bà Trần Thị Lan Phương, Trợ lý chủ tịch – Thành viên Hội Đồng;
- Ông Dương Bút By, Trưởng phòng Kỹ thuật – Thành viên Hội Đồng chịu trách nhiệm hỗ trợ việc thực thi kế hoạch của Hội Đồng;
- Ông Thạch Hoàng Sang, Cán bộ an toàn – Thành viên thường trực kiêm thư ký hội đồng;
- Tất cả các trưởng phòng ban – Thành viên Hội Đồng chịu trách nhiệm khu vực làm việc của họ.
Hội đồng BHLĐ của Công ty có nhiệm vụ tham mưu và thừa hành Ban lãnh đạo công ty chỉ đạo các Phòng/Bộ phận/Chi nhánh thực hiện quản lý về An toàn trong toàn Công ty. Cụ thể:
- a) Hoạch định các mục tiêu, các chương trình hành động hàng năm, quý, tháng về công tác An toàn vận hành, an toàn lao động.
- b) Xây dựng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn công việc và tài liệu đào tạo về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ).
- c) Tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho người lao động các quy trình, quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn công việc về AT-VSLĐ, Quản lý ứng phó với các tình huống khẩn cấp, các vấn đề xự cố trong quá trình vận hành.
- d) Đánh giá các rủi ro, và đưa ra hành động khắc phục, phòng ngừa rủi ro, đề xuất trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho từng vị trí công việc có ảnh hưởng bởi các yếu tố rủi ro, nguy hiểm, độc hại.
- e) Kiểm tra, đánh giá, thanh tra việc tuân thủ các Quy định đảm bảo An toàn.
- f) Phân tích đề xuất việc quản lý, bố trí, sử dụng và vận hành các máy móc thiết bị để đảm bảo điều kiện an toàn – vệ sinh lao động.
- g) Tổ chức điều tra, giám sát thực hiện các hành động khắc phục phòng ngừa các vấn đề, sự cố ảnh hưởng đến công tác đảm bảo An toàn lao động, Phòng cháy chữa cháy, sức khỏe người lao động.
Hội đồng BHLĐ của công ty sẽ sẽ tổ chức họp 1 lần quý để thảo luận về các vấn đề còn tồn tại ở các khu vực cụ thể. Chủ tịch Hội đồng có thể dùng quyền tự quyết của mình để tổ chức cuộc họp đột xuất trước cuộc họp định kỳ nếu có một vấn đề nghiêm trọng nào đó cần theo luận.
1.2 Thành lập đội kiểm tra an toàn vệ sinh lao động:
– Thành lập “Đội kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh” với các thành viên như sau:
- Ông Thạch Hoàng Sang – Cán bộ an toàn – Đội trưởng.
- Đại diện Ban An Ninh – Trưởng ca bảo vệ – Thành viên.
- Đại diện phòng Khai thác — Thành viên.
- Đại diện phòng Kỹ thuật – Thành Viên.
- Đại diện bộ phận xây dựng cơ bản – Phòng Tổng hợp – Thành viên
Cán bộ an toàn sắp xếp và thông báo các thành viên biết thời gian kiểm tra, Đội sẽ tập trung tại tòa nhà hành chính sau đó tiến hành đi kiểm tra (ít nhất 01 lần trong ngày).
Ngoài ra, nếu cần thiết, Đội hoặc các bộ an toàn cũng có thể kiểm tra đột xuất những khu vực trọng điểm.
Đội kiểm tra an toàn vệ sinh lao động sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ Cảng về:
- Tình trạng cơ sở hạ tầng của Cảng, bao gồm: cầu Cảng, hệ thống giao thông, nhà kho, nhà xưởng làm việc, hệ thống an ninh…
- Rác thải, dầu nhớt, vệ sinh công nghiệp các khu vực làm việc của Cảng.
- Các khiếm khuyết, sự cố của thiết bị xe (xe gắp container, xe nâng hàng, xe đầu kéo, xe rơ-mooc, cẩu khung, cầu bờ…)
- Các hành vi vi phạm nội quy về an toàn (không sử dụng phương tiện bảo hộ các nhân đã được trang bị, vào những nơi không có phận sự hoặc tự ý leo trèo lên cẩu, dừng và đậu phương tiện không đúng nơi quy định v.v..)
- Các hành vi vi phạm nội quy an toàn về PCCC (hút thuốc những nơi cấm hút thuốc, để những vật dụng gây cản trở những họng nước chữa cháy hoặc bình chữa cháy…)
Những hành vi vi phạm sẽ được ghi nhận bằng phiếu nhắc nhở, biên bản, hình ảnh, toàn bộ thành viên cùng ký tên (mẫu biên bản được đính kèm cùng quyết định này).
Đối với đơn vị nhà thầu nào có nhiều nhân viên nhận phiếu nhắc nhở, sẽ phải xem xét lại chất lượng dịch vụ của đơn vị đó, tùy theo mức độ Hội đồng BHLĐ sẽ đề xuất với Ban lãnh đạo đưa ra hình thức xử lý cụ thể.
- QUY TRÌNH VÀ QUY ĐỊNH:
Hội đồng BHLĐ có nhiệm vụ soạn thảo các Quy trình quy định an toàn liên quan đến tất cả các lĩnh vực hoạt động có nguy cơ xảy ra tai nạn.
Bất cứ khi nào xét thấy nội quy, quy định nào đó không còn phù hợp, lạc hậu thì phải sửa đổi ngay cho phù hợp với thực tế với sản xuất kinh doanh. Hiện tại Hội Đồng BHLĐ của Cảng LSIP đã soạn thảo các nội quy, quy định sau:
- QUY ĐỊNH AN TOÀN SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG
- CHÍNH SÁCH CỦA CÔNG TY VỀ HÀNG NGUY HIỂM ĐỘC HẠI
- QUY ĐỊNH AN TOÀN LIÊN QUAN ĐẾN HÀNG NGUY HIỂM ĐỘC HẠI
- KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG BÃO LỤT
- QUY TẮC AN TOÀN VẬN HÀNH CẨU BỜ
- QUY TẮC AN TOÀN CẨU KHUNG BÁNH LỐP RTG
- NỘI QUY AN TOÀN XE NÂNG CONTAINER
- QUY TẮC AN TOÀN VẬN HÀNH XE ĐẦU KÉO
- NỘI QUY PCCC VĂN PHÒNG
- NỘI QUY PCCC KHO HÀNG
- QUY TẮC GIAO THÔNG TRONG CẢNG
- QUY ĐỊNH AN TOÀN ĐÓNG, RÚT, KIỂM HÓA HÀNG HÓA
- QUY TẮC AN TOÀN TÀU CẬP VÀ RỜI CẢNG
- QUY ĐỊNH CHẾ TÀI XỬ PHẠT AN NINH – AN TOÀN – VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
- NỘI QUY AN NINH KHI LÀM VIỆC TRÊN TÀU
- NỘI QUY AN TOÀN KHI LÀM VIỆC TRÊN CAO
- QUY ĐỊNH AN TOÀN TRONG HÀN CẮT KIM LOẠI
III. HUẤN LUYỆN ĐÀO TẠO:
Cán bộ an toàn có nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện an toàn cho nhân viên Cảng và nhân viên nhà thầu về các nội quy/quy định trên định kỳ 02 lần/năm và tổ chức kiểm tra các kiến thức đã học 06 tháng lần.
3.1 Kế hoạch:
Quý I hàng năm cán bộ an toàn sẽ lên lịch học ATLĐ và huấn luyện nghiệp vụ an ninh cơ bản cho toàn thể nhân viên và gửi cho tất cả các bộ phận liên quan để sắp xếp thời gian cho nhân viên của mình tham dự khóa học đầy đủ.
- Đối với cấp quản lý: Hàng năm sẽ được cử đi học trong hoặc ngoài nước một lớp ATLĐ phù hợp với lĩnh vực khai thác Cảng.
- Đối với Cán bộ an toàn: Hàng năm sẽ được cử đi học trong hoặc ngoài nước một lớp ATLĐ phù hợp với lĩnh vực khai thác cảng.
- Đối với nhân viên mới: Sẽ được phổ biến toàn bộ Nội quy, Quy định của cảng vào tuần đầu tiên nhân viên hội nhập và làm việc tại Cảng.
Hàng năm, phối hợp với cảnh sát PCCC – công an Bà Rịa, Vũng Tàu (BRVT) tổ chức diễn tập PCCC; tổ chức huấn luyện về PCCC cho đội PCCC tại chỗ.
Hàng năm, phối hợp với Ban chấp hành Quân sự BRVT tổ chức diễn tập ứng cứu khẩn cấp.
Hàng năm, Hội đồng BHLĐ tổ chức họp với các cơ quan hữu quan để cập nhật và chỉnh sửa gia hạn kế hoạch An ninh cảng biển.
Sau khi có tai nạn, sự cố xảy ra: Cán bộ an toàn thu thập mọi tài liệu, hình ảnh liên quan đến tai nạn hoặc sự cố, tiến hành họp với tất cả nhân sự/phòng ban có liên quan để rút ra bài học kinh nghiệm, ngăn ngừa sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.
- Nội dung huấn luyện, đào tạo
3.2.1 Huấn luyện An toàn định hướng
- Không ai được phép vào Cảng Quốc tế Long Sơn làm việc nếu chưa được “HUẤN LUYỆN AN TOÀN”. Theo đó, huấn luyện an toàn bao gồm các hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe và môi trường, hướng dẫn quy trình, biểu mẫu an toàn và cơ chế giám sát, kiểm tra an toàn. Cảng Quốc tế Long Sơn sẽ cung cấp tài liệu hướng dẫn cho tất cả các nhân viên.
- Cảng Quốc tế Long Sơn sẽ đảm bảo rằng tất cả nhân viên nhà thầu nhận được “HUẤN LUYỆN AN TOÀN” trước khi vào Cảng làm việc, khóa đào tạo này sẽ được lưu hồ sơ lại.
- Cảng Quốc tế Long Sơn sẽ đảm bảo tất cả khách tham quan hoặc người đại diện nhà cung cấp ngắn hạn được hộ tống tại mọi thời điểm bởi một nhân viên có thẩm quyền và có trách nhiệm.
- Đào tạo chuyên ngành
- Đào tạo chuyên ngành sẽ được cung cấp dựa trên nhu cầu đào tạo phân tích mối nguy, đối với các công việc đặc biệt nguy hiểm, như làm việc trong không gian hạn chế, nâng/cẩu, làm việc ở trên cao, an toàn hóa chất, khóa cô lập/treo thẻ thiết bị, v.v.
Tất cả các hoạt động đào tạo sẽ được phối hợp bởi Phòng Nhân sự, những người sẽ chuẩn bị kế hoạch đào tạo bao gồm các khóa đào tạo an toàn liên quan. Cuộc họp đặc biệt để giải quyết các vấn đề cụ thể sẽ được triệu tập theo yêu cầu.
3.2.3 Tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động
Đối tượng huấn luyện | Nội dung huấn luyện | Thời gian huấn luyện | ||
Nhóm 1: Người làm công tác quản lý, bao gồm Tổng Giám Đốc, Phó Tổng Giám Đốc; người phụ trách công tác hành chính, nhân sự; trưởng các bộ phận. | Chính sách, pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
Tổ chức quản lý và thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động ở cơ sở; Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất và biện pháp khắc phục, phòng ngừa; Văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh. |
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra. | ||
Nhóm 2: Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở; Người làm công tác quản lý kiêm phụ trách công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động | Kiến thức chung như Nhóm 1;
Nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại cơ sở; Tổng quan về các loại máy, thiết bị, các chất phát sinh các yếu tố nguy hiểm, có hại; quy trình làm việc an toàn. |
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra. | ||
Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định pháp luật | Chính sách, pháp luật về an toàn lao động, vệ
sinh lao động; Tổng quan về công việc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Các yếu tố nguy hiểm, có hại khi làm công việc hoặc vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động khi làm công việc hoặc vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Xử lý các tình huống sự cố sản xuất, sơ cứu tai nạn lao động. |
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 30 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra. | ||
Nhóm 4: Người lao động không thuộc 3 nhóm nêu trên | Huấn luyện kiến thức chung về an toàn lao động, vệ sinh lao động (huấn luyện tập trung);
Yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. |
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra; | ||
Nhóm 5: Người làm công tác y tế | Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động Huấn luyện cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động. |
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 56 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra (Chứng nhận chuyên môn y tế lao động: ít nhất 40 giờ, chứng nhận an toàn vệ sinh lao động: ít nhất 16 giờ) | ||
Nhóm 6: An toàn vệ sinh viên | Huấn luyện bổ sung về kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên (Ngoài nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định) | Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 4 giờ (ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động) | ||
- Tài liệu huấn luyện được biên soạn căn cứ vào từng đối tượng huấn luyện, điều kiện thực tế và chương trình khung huấn luyện do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
- Giảng viên tham gia huấn luyện đáp ứng các điều kiện, yêu cầu theo quy định pháp luật hiện hành về huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Công ty kết hợp với Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện để cấp chứng nhận huấn luyện có thời hạn 2 năm cho đối tượng tham dự khóa huấn luyện thuộc Nhóm 1 hoặc Chứng chỉ huấn luyện có thời hạn 5 năm cho các đối tượng tham dự khóa huấn luyện thuộc Nhóm 2 và Nhóm 3; đối với các đối tượng tham dự khóa huấn luyện thuộc Nhóm 4, Nhóm 5, Nhóm 6 kết quả huấn luyện được ghi vào sổ theo dõi công tác huấn luyện tại cơ sở.
- Đối tượng đã được huấn luyện, khi chuyển từ công việc này sang công việc khác, khi có sự thay đổi thiết bị, công nghệ thì trước khi giao việc phải được huấn luyện nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với công việc mới và được cấp Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện mới, hoặc được ghi vào sổ theo dõi công tác huấn luyện ở cơ sở.
- Cơ sở ngừng hoạt động hoặc người lao động nghỉ làm việc từ 6 tháng trở lên thì trước khi trở lại làm việc, người lao động phải được huấn luyện lại các nội dung theo quy định;
- Định kỳ 2 năm một lần kể từ ngày Chứng nhận huấn luyện/Thẻ an toàn có hiệu lực, người thuộc Nhóm 1, Nhóm 2, và Nhóm 3 phải tham dự khóa huấn luyện định kỳ; đối với các đối tượng thuộc Nhóm 4, Nhóm 5, Nhóm 6 định kỳ được tổ chức ít nhất mỗi năm 1 lần. Chương trình huấn luyện định kỳ được áp dụng như đối với huấn luyện lần đầu; thời gian huấn luyện định kỳ bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
- KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ VỚI TAI NẠN, SỰ CỐ
Phương thức ứng phó: Kế hoạch ứng phó được chia thành 03 bước như sau:
Bước 01: “Hành động tức thời” bao gồm việc bảo vệ người, tài sản và uy tín của công ty đánh giá thiệt hại, động viên toàn thể nhân viên tham gia ứng phó và giám sát chặt chẽ việc ứng phó.
Bước 02: Thiết lập nguồn lực cho việc ứng phó.
Bước 03: Kết thúc việc ứng phó, đưa dần trở lại hoạt động bình thường.
4.1 Hành động tức thời:
4.1.1 Thành lập đội Quản lý Tai nạn/Sự cố (QLTN), quy định vai trò và thông tin liên lạc giữa tất cả các thành viên sau:
Họ và tên | Chức vụ | ĐT | Vai trò | Nhiệm vụ |
Nguyễn Văn Long | PTGĐ | Đội trưởng | Phụ trách chung | |
Trần Duy Cường | PGĐ Khai thác | 0903336860 | Đội phó thường trực | Phục hồi khai thác |
Thạch Hoàng Sang | Đội trưởng AN | 0983677703 | Đội phó | Cứu hộ |
Dương Bút By | TP Kỹ thuật | 0774426273 | Thành viên | Chuẩn bị Phương tiện |
Trần Lan Phương | Trợ lý CT | 0987879590 | Thành viên | Tổng hợp và thông tin |
Trong đó:
Đội trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc phối hợp và đưa ra quy trình ứng phó.
Đội phục hồi khai thác: Lập kế hoạch và hành động cụ thể cho việc phục hồi khai thác sau khi thảm họa xảy ra.
Đánh giá tác động của thảm họa, cung cấp số liệu và tham mưu trực tiếp cho Đội trưởng; thực hiện mọi ý đồ chiến thuật của Đội Trưởng.
Đội phương tiện ứng phó: Chịu trách nhiệm đánh giả thiệt hại và thiết lập vị trí phương cách làm việc thay thế cho vị trí xảy ra thảm họa.
Đội cứu hộ: Chịu trách nhiệm ứng cứu và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do sự cố gây ra. Báo cáo kịp thời cho Đội trưởng khi sự cố vượt quá khả năng ứng cứu của Đội.
Phòng tổng hợp – chịu trách nhiệm đảm bảo mọi hoạt động ứng phó diễn ra đúng luật pháp; Chịu trách nhiệm quản lý mọi thông tin ra vào; các vấn đề về bảo hiểm.
4.1.2 Quản lý thông tin
Trong bất kỳ tình huống nào làm ngưng trệ sản xuất kinh doanh, người không trách nhiệm không được trả lời bất cứ câu hỏi hay yêu cầu nào từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Đội QLTN sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về thảm họa cho Phòng Tổng hợp (hoặc Phòng truyền thông), những thông tin này sẽ được công bố cho cổ đông, nhân viên, khách hàng, thông tin đại chúng do Phòng tổng hợp lập với sự phê duyệt của Ban Tổng giám đốc.
4.1.3 Đánh giá thiệt hại
Phòng Tổng hợp chịu trách nhiệm sắp xếp, phối hợp quy trình đánh giá thiệt hại và liên hệ với các thành viên có liên quan khi cần trợ giúp.
Nội dung đánh giá thiệt hại: Cần thu thập những thông tin chính xác và đáng tin cậy cho việc đánh giá thiệt hại. Ghi nhận chi tiết các thông tin thu thập được vào BẢNG ĐÁNH GIÁ THIỆT HẠI.
4.1.4 Cứu hộ:
Đội Quản lý tai nạn sự cố chuẩn bị BẢN BÁO CÁO TÌNH TRẠNG KHÔI PHỤC ghi nhận lại những gì có thể phục hồi được và ước tính thời gian dựa vào hoạt động và những gì cần phải thay thế. Các báo cáo này được trình cho Ban Tổng giám đốc để xem xét phê duyệt cho việc khôi phục/tái sử dụng/tái chế/thanh lý.
4.2 Thiết lập phương tiện cho công tác khôi phục:
Tổ chức họp để tóm tắt lại các tác động của thảm họa đến hoạt động khai thác, xem xét các ưu tiên cho khai thác, đề xuất các nguồn lực cho việc khôi phục.
4.2.1 Thiết lập khu vực khôi phục:
– Bảo đảm các biện pháp an ninh, an toàn.
– Bảo đảm các nhân viên an ninh có danh sách các thành viên trong đội khôi phục.
– Bảo đảm các thành viên trong đội khôi phục nắm rõ quy trình.
– Bảo đảm khu vực kho bãi được bảo vệ (Văn phòng, Container, kho bãi v.v..).
– Giảm sát chặt chẽ các thông tin, nguyên vật liệu, thiết bị quan trọng, tránh tình trạng chúng bị rò rỉ thất thoát ra ngoài.
– Hạn chế việc di dời dữ liệu hay vật liệu khỏi khu vực mà không có thẩm quyền hợp lệ.
– Xác định và xếp loại trụ tiến các công việc quan trọng.
– Đảm bảo duy trì các hoạt động dạng tiến hành.
4.2.2 Xác nhận hoạt động của khu vực khôi phục.
– Bảo đảm việc liên lạc được thông suốt.
– Xác nhận vị trí và số điện thoại với các phòng ban và thành viên khác.
– Xem xét lại các bước khôi phục.
Xác nhận nguồn lực sẵn sàng: Xác nhận mọi nguồn lực cần thiết cho việc khôi phục đã sẵn sàng,
ví dụ chính sách, quy trình, cơ sở vật chất, tài chính v.v
4.3 Phục hồi khai thác:
Quản lý tai nạn sự cố kết thúc và báo cáo tình trạng khôi phục.
Hoàn tất mọi thông tin cần thiết để nới lỏng quy trình khôi phục.
Khôi phục hoạt động khai thác sau khi đã kiểm tra và xác nhận mọi chức năng đã được khôi phục.
Xác định những máy móc, thiết bị cũng như công việc nào giống như cũ và những máy móc thiết bị công việc khác biệt trước lúc xảy ra tai nạn sự cố.
Đưa ra những chỉ dẫn cho những khác biệt.
Đưa ra hướng dẫn cho những hoạt động khai thác với bình thường.
- ĐIỀU TRA TAI NẠN VÀ SỰ CỐ KỸ THUẬT
– Sau khi tai nạn xảy ra cán bộ an toàn lao động tổ chức họp với tất cả các cá nhân, bộ phận liên quan để xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn và trách nhiệm của các cả nhân và bộ phận liên quan đến tai nạn.
– Chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến tai nạn sự cố cho Bộ phận nhân sự Phòng Tổng hợp để xem xét vấn đề kỷ luật.
– Đối với các sự việc có dấu hiệu hình sự, toàn bộ hồ sơ sẽ được chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra để xác minh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật và xử lý tội phạm theo luật định.
- PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ CÁ NHÂN
– Hội đồng An toàn soạn thảo chính sách phương tiện bảo vệ cá nhân.
– Bộ phận Hành chánh mua sắm và phân phát phương tiện bảo vệ cá nhân theo chính sách.
– Cán bộ an toàn kiểm tra chất lượng các loại phương tiện cá nhân được cấp phát.
– Nhân viên mới sẽ được cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân vào ngày đầu tiên nhân viên đó làm việc tại Cảng. Nếu nhân viên đó nghỉ việc thì phải trả lại toàn bộ phương tiện bảo vệ cá nhận đã được cấp phát cho công ty theo quy định. Trường hợp làm mất/thất lạc/hư hỏng phải hoàn trả giá trị theo quy định.
VII. NGÂN SÁCH
Hàng năm Hội đồng BHLĐ tiến hành lập ngân sách, kinh phí hoạt động cho năm sau (thời gian, tỷ giá do phòng Kế toán quy định), đệ trình lên Ban lãnh đạo phê duyệt. Ngân sách bao gồm các mục sau:
- Kiểm soát côn trùng, động vật gây hại
- Trang bị phương tiện PCCC
- Xử lý nước thải
- Biển báo
- Các trang bị thiết bị: Rào chắn, còi, bộ đàm, đèn tín hiệu, dây cờ, hệ thống camera
- Kiểm định an toàn các thiết bị, dụng cụ có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ
- Quan hệ công việc đối với các cơ quan chức năng như Công an xã, Biên phòng, Cảng vụ, Cảnh sát PCCC, Cảnh sát môi trường, Sở lao động TBXH
- Nhân lực
- Đào tạo, huấn luyện
- Nhiên liệu phục vụ cho việc tuần tra
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Hội đồng BHLĐ có nhiệm vụ giám sát chung về an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng cháy và chữa cháy, kịp thời báo cáo cho cấp trên về các sự kiện không an toàn. Chủ tịch Hội đồng chủ trì và tổ chức họp định kỳ hoặc đột xuất theo quy định.
Các trưởng bộ phận có nhiệm vụ giám sát công việc hàng ngày của của bộ phận mình.
Đội kiểm tra an toàn vệ sinh lao động tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất tất cả các khu vực trong Cảng; tiến hành nhắc nhở; lập biên bản các cá nhân vi phạm nội quy an toàn lao động.
Chủ tịch Hội đồng BHLĐ tổ chức họp An toàn cấp cao 01 năm/lần, để đề xuất Ban Tổng giám đốc phê chuẩn các nội quy, Quy định hoặc chính sách mới.
TỔNG GIÁM ĐỐC